
Chi tiết tin
Năm 2020, chuyên đề thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" trên địa bàn huyện Chợ Gạo đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, tạo động lực khích lệ cho nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao, góp phần đưa kinh tế của huyện ngày càng phát triển.
Năm 2020, chuyên đề thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" trên địa bàn huyện Chợ Gạo đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, tạo động lực khích lệ cho nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao, góp phần đưa kinh tế của huyện ngày càng phát triển.
![]() Ông Nguyễn Văn Đỉnh, ấp Bình Khương I, xã Bình Phục Nhứt bên ruộng rau màu của gia đình. |
Với nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện chủ trương lớn trong nông nghiệp như: Hợp tác liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp; nông dân liên kết xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, xây dựng các mô hình trình diễn; tín chấp cho nông dân vay vốn mua vật tư, máy móc nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể; các cấp, các ngành phối hợp thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở nông thôn. Vì vậy, đã thu hút được đông đảo hộ nông dân tham gia đăng ký thực hiện chuyên đề.
Cụ thể, trong năm qua, toàn huyện có 29.991 lượt hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi, đạt 80,73% so với hộ nông nghiệp, tăng 286 hộ so với năm 2019. Để tạo điều kiện giúp nông dân thực hiện chuyên đề thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các ngành chuyên môn huyện tổ chức 729 cuộc chuyển giao khoa học - kỹ thuật trên các lĩnh vực, tập huấn 576 cuộc sản xuất thanh long VietGAP, mở 20 lớp dạy nghề nông thôn ở lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, công tác liên tịch với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được các cấp Hội Nông dân trong huyện thực hiện thường xuyên. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 8.900 lượt hộ vay vốn với tổng số tiền trên 396 tỷ đồng…
Với sự tập trung chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, các cấp ủy Đảng từ huyện đến xã trong triển khai thực hiện chuyên đề thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp từ 10 - 12% so với năm 2019. Qua bình xét cuối năm, toàn huyện có 22.176 hộ đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp, đạt 73,94% so với hộ đăng ký, trong đó 07 hộ đạt cấp Trung ương, 1.484 hộ đạt cấp tỉnh, 3.718 hộ đạt cấp huyện và 16.967 hộ đạt cấp cơ sở.
Qua chuyên đề, đã xuất hiện nhiều nông dân với tinh thần dám nghĩ, dám làm, với ý chí vượt khó vươn lên đã trở thành những gương điển hình mới tiêu biểu, luôn tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây giống, con giống mới có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn, góp phần thiết thực vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở địa bàn nông thôn.
Khởi nghiệp từ 02 công ruộng mà cha mẹ cho khi lập gia đình, ông Nguyễn Văn Đỉnh, ấp Bình Khương I, xã Bình Phục Nhứt bắt đầu trồng lúa, được 01 năm thì ông chuyển sang chuyên canh trồng màu dưới chân ruộng, như cải nồi, hành, hẹ… Ông Đỉnh cho biết, trồng hoa màu dưới chân ruộng tuy tốn nhiều công chăm sóc hơn so với trồng lúa nhưng đồng vốn xoay nhanh, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nếu nắm bắt được nhu cầu thị trường, chọn giống phù hợp, xử lý đất tốt trước khi xuống giống, bón phân cân đối thì các loại màu sẽ phát triển tốt, cộng với đầu ra ổn định thì việc trồng màu dưới chân ruộng sẽ đem lại lợi nhuận khá cho nông dân. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của nhiều người đi trước cộng với tính cần cù, chịu khó, việc trồng màu của gia đình trở nên thuận lợi và bán được giá. Sau nhiều năm tích lũy, ông có điều kiện mua thêm 1,5 ha đất và tiếp tục chọn cây màu là thế mạnh trong phát triển kinh tế.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, 02 năm trước, ông Đỉnh đã chuyển 07 công đất trồng màu sang trồng thanh long ruột đỏ và tiếp tục duy trì 01 ha đất để trồng các loại màu như hẹ, cải xà lách… Ông Đỉnh chia sẻ, qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương về lợi ích của việc sản xuất thanh long sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nên ông đã mạnh dạn áp dụng hình thức sản xuất này trên vườn thanh long của gia đình. Theo ông nhận định, trồng và chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP giúp nông dân giảm được nhiều chi phí do giảm được lượng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật. Được hướng dẫn chi tiết và làm đúng theo kỹ thuật, người làm vườn không phải sử dụng phân bón hóa học tràn lan, thuốc trừ sâu bệnh hại trên cây trồng. Do vậy, trái thanh long đảm bảo được chất lượng và rất an toàn khi đến với người tiêu dùng. Nhờ chịu khó chăm sóc, hiện vườn thanh long của ông đã có những đợt thu hoạch đầu tiên, từ đầu năm đến nay đã có gần 20 tấn thanh long được thu hoạch, đem về nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Riêng đối với 01 ha trồng màu còn lại, để thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hạn, mặn diễn biến phức tạp, thời gian qua, gia đình ông Đỉnh đã đầu tư trên 50 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tự động trên ruộng hoa màu, nhờ vậy tiết kiệm được nguồn nước tưới, đồng thời rút ngắn thời gian tưới chỉ còn gần 01 tiếng đồng hồ so với cách tưới thủ công. Ngoài ra, ông chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ trong quá trình trồng rau màu. Nhờ chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, trong năm 2020, ông có nguồn thu nhập từ rau màu trên 200 triệu đồng, được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Đặc biệt, trong thực hiện chuyên đề thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", nông dân huyện Chợ Gạo đã chủ động hơn trong thực hiện mô hình cùng nông dân bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện trang bị 300 thùng chứa rác thải bảo vệ thực vật, nâng đến nay toàn huyện có 620 thùng chứa rác thải bảo vệ thực vật từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tổ chức thu gom và thuê đơn vị xử lý được 4.600kg rác thải bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Syngenta tổ chức chương trình "Môi trường sạch, cuộc sống xanh" tại xã Tân Bình Thạnh, thu gom trên 600kg vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nông dân, tạo sức lan tỏa trong việc bảo vệ hệ sinh thái, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, sản xuất ra các sản phẩm nông sản an toàn, góp phần nâng cao thương hiệu nông sản của huyện, đời sống nông dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 70,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,67%.
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, huyện Chợ Gạo tiếp tục phát động, chỉ đạo thực hiện chuyên đề thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", vận động hỗ trợ nông dân tham gia chuyên đề, phát triển đa dạng các loại hình hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ngọc Xuyên







THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
VIDEO MỚI
DOANH NGHIỆP



LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
Hôm nay:
Tuần hiện tại:
Tháng hiện tại:
Tháng trước:
Tổng lượt truy cập: