
Chi tiết tin
Những năm gần đây, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp. Trước thực trạng trên, tỉnh Tiền Giang đã tập trung nguồn lực để đầu tư xử lý các điểm sạt lở nhằm bảo vệ sản xuất và ổn định đời sống Nhân dân
Những năm gần đây, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp. Trước thực trạng trên, tỉnh Tiền Giang đã tập trung nguồn lực để đầu tư xử lý các điểm sạt lở nhằm bảo vệ sản xuất và ổn định đời sống Nhân dân.
Gói thầu thi công xây dựng đoạn từ K1+510 đến KF thuộc Dự án Xử lý sạt lở khu vực xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè hiện đạt khoảng 99% khối lượng. |
*Niềm vui trên những tuyến kè
Thời gian gần đây, bờ kinh 28, đoạn qua huyện Cái Bè xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân. Trước tính cấp bách trên, tỉnh đã đầu tư dự án Xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên sông Cái Bè (kinh 28), huyện Cái Bè. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 249 tỷ đồng. Chiều dài tuyến kè khoảng 2.670m, gồm 11 đoạn. Dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 200 tỷ đồng và phần còn lại sử dụng vốn ngân sách tỉnh. Dự án được triển khai thi công vào cuối tháng 6/2024. Đến nay, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vượt kế hoạch tiến độ đề ra trong sự vui mừng và phấn khởi của người dân.
Tiếp nối niềm vui của người dân sinh sống cặp tuyến kinh 28, vào cuối năm 2024, UBND huyện Cái Bè cũng triển khai đầu tư gói thầu thi công xây dựng đoạn từ K1+510 đến KF thuộc dự án Xử lý sạt lở khu vực xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè. Theo đó, gói thầu sẽ triển khai thi công tuyến kè tại bờ Nam sông Cái Bè đoạn từ ngã ba giao với sông Tiền hướng về cầu Cái Bè 2 (thuộc ấp An Ninh, xã Đông Hòa Hiệp) với tổng chiều dài 540m. Gói thầu có giá trị 30,39 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện trong 180 ngày. Theo nhà thầu thi công, đến nay, tiến độ kè đã đạt khoảng 96% và sẽ hoàn thành trong ít ngày tới, vượt tiến độ khoảng 20 ngày.
Thời gian qua, khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng. Sạt lở từng bước lấn sâu vào đường giao thông, nhà cửa đe dọa tới tính mạng, tài sản của người dân. Do đó, việc đầu tư công trình đã đáp ứng mong mỏi của chính quyền cũng như người dân địa phương. Công trình sẽ giúp người dân ổn định cuộc sống, cũng như phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Phong (ấp An Ninh, xã Đông Hòa Hiệp) cho biết, nhà tôi ở cặp bờ sông Cái Bè nên khi sạt lở diễn ra rất sợ. Nhà nước quan tâm đầu tư bờ kè này bà con ở khu vực này rất mừng. Tuyến kè được đầu tư ngoài việc chống sạt lở thì còn giúp người dân có tuyến đường rộng rãi, giúp việc đi lại thuận tiện hơn. Bà con ở đây ai cũng phấn khởi.
Thời gian qua, khu vực Cồn Ngang (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) xảy ra tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Trước tình hình trên, tỉnh đã đầu tư dự án Kè chống sạt lở Cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 238 tỷ đồng, có chiều dài 6,8km. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2024 trong niềm vui của chính quyền và Nhân dân địa phương. Dự án được ứng dụng công nghệ đê giảm sóng để gây bồi, tạo bãi. Qua thời gian theo dõi, công nghệ đê giảm sóng bước đầu đã phát huy rất hiệu quả.
*Nhiều điểm sạt lở cần xử lý
Bên cạnh những công trình chống sạt lở đã đưa vào sử dụng, hiện trên địa bàn tỉnh còn nhiều khu vực sạt lở cần nhanh chóng được đầu tư để xử lý.
Thời gian qua, bờ sông Tiền tại khu vực bến phà Mỹ Thuận cũ (ấp Khu Phố, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Sạt lở cứ ngày càng ăn sâu vào đất đai, nhà cửa của người dân. Để níu giữ nhà cửa, tài sản trước sự tấn cống của sạt lở, người dân nơi đây đã dùng cây cối để chằng chéo, nhưng tất cả chỉ là tạm thời. Theo thống kê, hiện tại, bờ sông Tiền tại 3 xã Hòa Hưng, An Hữu, Tân Thanh, huyện Cái Bè, sạt lở có nguy cơ sảy ra bất cứ lúc nào gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của người dân. Trước tính cấp bách, trong khi nguồn lực của tỉnh có hạn, tỉnh Tiền Giang đã đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí để đầu tư dự án Xử lý sạt lở đê ven sông Tiền tại 3 xã Hòa Hưng - An Hữu - Tân Thanh, huyện Cái Bè (giai đoạn 3) với chiều dài 1.100m bắt đầu từ bến phà Mỹ Thuận cũ về phía thượng lưu. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 295 tỷ đồng. Tuyến kè được đầu tư sẽ đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân, góp phần ổn định dân cư và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Còn tại khu vực rạch Vàm Kỳ Hôn thuộc ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, sạt lở cũng xảy ra rất nghiêm trọng. Theo ghi nhận, hiện tuyến đường đê dọc theo khu vực này đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Có vị trí, sạt lở mất gần hết đường giao thông. Nhiều đoạn, hàm ếch ăn sâu vào trong tuyến đê. Qua khảo sát thực tế của cơ quan chức năng, hiện tổng chiều dài sạt lở tại khu vực Vàm Kỳ Hôn khoảng hơn 1.120m. Trong thời gian tới, nếu không có biện pháp xử lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 110 hộ dân, ảnh hưởng gián tiếp 586 hộ dân khác và 215 ha đất nông nghiệp thuộc ấp Tân Hòa.
Cùng với khu vực Vàm Kỳ Hôn, bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) cũng xảy ra sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là tại ấp Tân Thiện. Trong đó, nghiêm trọng nhất là đoạn phía bờ Bắc sông Tiền (tiếp giáp với kè chống sạt lở Tân Phong đoạn 4). Bên cạnh đó, hiện cù lao Tân Phong đoạn bờ Nam từ bến phà Cái Bè - Tân Phong đến khu vực gần Điểm du lịch Năm On sạt lở cũng đang rất báo động. Qua khảo sát thực tế, tổng chiều dài sạt lở tại khu vực ấp Tân Thiện, xã Tân Phong khoảng 1.250m. Nếu không có biện pháp phòng, chống sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, gây nguy hiểm trực tiếp khoảng 191 hộ dân, ảnh hưởng gián tiếp 3.561 hộ và 398,56 ha đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng, nhãn, mít, chôm chôm...
Trước tình hình cấp bách về sạt lở, hiện UBND tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ từ nguồn vốn để triển khai thực hiện 2 dự án bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực thiên tai nguy hiểm, cần thiết phải triển khai ngay trong năm 2024 nhằm bố trí ổn định dân cư tại xã Xuân Đông và xã Tân Phong. Cụ thể, dự án Bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực thiên tai ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông gồm 4 đoạn, có tổng chiều dài 1.128m. Dự án Bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực thiên tai ấp Tân Thiện, xã Tân Phong gồm 2 đoạn, tổng chiều dài 900m.
Cùng với các dự án xử lý sạt lở bờ sông, Tiền Giang cũng đang đề xuất Trung ương phân bổ vốn để đầu tư dự án Xói lở bờ biển Gò Công (đoạn từ cầu Rạch Bùn đến Đèn Đỏ). Dự án có chiều dài khoảng 6,8km với tổng mức đầu tư khoảng 336 tỷ đồng.
Hiện nay, khu vực này không còn rừng phòng hộ nên sóng đánh trực tiếp thân đê. Do đó, khu vực này rất cần đầu tư tuyến đê giảm sóng để chống sạt lở kết hợp với gây bồi, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ.
Anh Thư







THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
VIDEO MỚI
DOANH NGHIỆP



LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
Hôm nay:
Tuần hiện tại:
Tháng hiện tại:
Tháng trước:
Tổng lượt truy cập: