
Chi tiết tin
Sáng ngày 31/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc Tọa đàm với doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp về Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN). Cùng dự tọa đàm có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Sáng ngày 31/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc Tọa đàm với doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp về Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN). Cùng dự tọa đàm có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương.
![]() Đại biểu tham dự hội nghị. |
Buổi tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến tới điểm cầu Ủy ban nhân dân (UBND) 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Trong khuôn khổ của tọa đàm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 30/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KTTN.
Báo cáo tại tọa đàm, Bộ Tài chính cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, KTTN nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu đáng kể. Số lượng doanh nghiệp thành lập tăng qua các năm, đến nay có gần 01 triệu doanh nghiệp và hơn 05 triệu hộ kinh doanh hoạt động trong nền kinh tế, KTTN đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Đặc biệt là KTTN đóng góp rất quan trọng tạo việc làm, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế ở vùng nông thôn, địa bàn khó khăn. Giai đoạn 2017 - 2023, KTTN bình quân tạo ra hơn 43,5 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số việc làm trong nền kinh tế. Tỷ trọng vốn đầu tư của KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng liên tục tăng, từ 44% năm 2010 đến 56% năm 2023; đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu...
Bên cạnh đó, KTTN là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tăng nhanh, từ 1.500 startup năm 2015 lên khoảng 4.000 startup vào năm 2024. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế. Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng.
Tuy nhiên, KTTN chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng; một bộ phận doanh nghiệp tư nhân chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật, thông tin chưa minh bạch; tư duy kinh doanh ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược; đạo đức, văn hóa kinh doanh của một bộ phận doanh nhân còn hạn chế; công tác quản lý hộ kinh doanh còn hạn chế, bất cập…
![]() Quang ảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. |
Để tháo gỡ rào cản, phát huy tối đa tiềm lực đưa KTTN phát triển trở thành một động lực quan trọng nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, xem đây là một “cuộc cách mạng về tư duy và thể chế” cho KTTN. Với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Có 02 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/ngàn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55% - 58% GDP, 35% - 40% tổng thu ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm cho khoảng 84% - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 03 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 05 nước đứng đầu châu Á. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu đưa KTTN phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW cũng đã đề ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 03 đột phá chiến lược (về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng) và trong tổng thể 04 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị mà Tổng Bí thư đã kết luận là "Bộ tứ trụ cột”, đó là: (1) Đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển KTTN. (2) Đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm thực thi hợp đồng của KTTN. (3) Tạo thuận lợi cho KTTN tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. (4) Thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững trong KTTN. (5) Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. (6) Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn KTTN tầm cỡ khu vực và toàn cầu. (7) Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. (8) Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
Riêng tại tỉnh Tiền Giang, những năm qua, KTTN của tỉnh đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khu vực KTTN của tỉnh Tiền Giang hiện có 6.650 doanh nghiệp và hơn 60.000 hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 82% GRDP, hơn 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm 186.390 lao động (chiếm 98% tổng số lao động của tỉnh). Có thể nói, KTTN là lực lượng quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp và Bộ, ngành, đã trao đổi, làm rõ những tồn tại, hạn chế và những yêu cầu, bối cảnh mới và giải pháp phát triển KTTN trong giai đoạn tới để Nghị quyết số 68-NQ/TW đi vào thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các đại biểu tham dự Hội nghị đã thể hiện quyết tâm thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước trở thành thành sản phẩm, kết quả cụ thể; các đại biểu với tâm huyết, công sức, kinh nghiệm đã mang tới tọa đàm những ý kiến rất dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, có phản biện, giúp buổi tọa đàm thành công. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã khái quát 06 nội dung lớn trong tâm huyết, ý kiến của các đại biểu; chia sẻ 06 mong muốn, tin tưởng, kỳ vọng với các doanh nghiệp, doanh nhân và nêu rõ 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng vai trò kiến tạo, không sa vào những việc cụ thể: Một là, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; hai là, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển KTTN; ba là, thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát, tập trung hậu kiểm thay vì tiền kiểm; bốn là, đánh giá, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, xây dựng lý luận; năm là, thi đua khen thưởng, tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân với quan điểm thương trường là chiến trường thì doanh nhân là chiến sĩ; đồng thời xử lý các vi phạm một cách kịp thời, chấn chỉnh, không ảnh hưởng tới danh dự của doanh nhân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện tốt hơn nữa 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, giảm chi phí tuân thủ, giảm công sức cho người dân và doanh nghiệp. Bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó có an toàn, an ninh mạng, để doanh nghiệp có điều kiện phát triển nhanh, bền vững. Đảng, Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm liên quan phải bảo đảm tiếp cận bình đẳng về vốn, tài nguyên, đất đai, nguồn nhân lực, pháp lý, quyền tự do kinh doanh, bình đẳng, quyền tài sản của doanh nghiệp. Cùng với đó, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp để tìm lời giải cho vướng mắc; với các đề xuất, thì các Bộ, ngành, cơ quan lắng nghe, tiếp thu đầy đủ, nếu không tiếp thu phải giải trình. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thường xuyên rà soát các chính sách như chính sách tiền tệ, tài khóa, nguyên vật liệu, xây dựng… Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các đề xuất, các khó khăn của doanh nghiệp yêu cầu giải quyết trong vòng 2 tuần.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ mong muốn, tin tưởng, kỳ vọng với doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động đúng luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm công dân; không ngừng đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, quản trị thông minh, đặc biệt là chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ lõi, doanh nghiệp phải đi đầu, tiên phong, đi trước đón đầu; các doanh nghiệp tư nhân chia sẻ, giúp đỡ, hợp tác, kết nối chặt chẽ, hiệu quả hơn với nhau, với các doanh nghiệp FDI, với các doanh nghiệp nhà nước để tạo chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi dịch vụ rộng hơn, mang tính cả nước và phạm vi toàn cầu; doanh nghiệp, doanh nhân tích cực tham gia vào quá trình bảo đảm tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội; doanh nghiệp, doanh nhân cùng Chính phủ, các Bộ, ngành tham gia kiến tạo phát triển, góp ý xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần để xây dựng và bảo vệ đất nước ổn định, phát triển bền vững.
Phương Thanh







THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
VIDEO MỚI
DOANH NGHIỆP



LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
Hôm nay:
Tuần hiện tại:
Tháng hiện tại:
Tháng trước:
Tổng lượt truy cập: