
Chi tiết tin
Mỗi năm, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuổi trẻ Trường Đại học Tiền Giang tổ chức "Hành trình về địa chỉ đỏ" tham quan Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Lưu bút tại Đền thờ Bác Hồ vào năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Đền thờ Bác Hồ, biểu tượng bất diệt, tấm lòng sắt son của Nhân dân Nam bộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
Mỗi năm, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuổi trẻ Trường Đại học Tiền Giang tổ chức "Hành trình về địa chỉ đỏ" tham quan Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Lưu bút tại Đền thờ Bác Hồ vào năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Đền thờ Bác Hồ, biểu tượng bất diệt, tấm lòng sắt son của Nhân dân Nam bộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
![]() Tuổi trẻ Trường Đại học Tiền Giang tổ chức “Hành trình về địa chỉ đỏ” tham quan Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bạn bè quốc tế, nhiều gia đình tại xã Long Đức, thị xã Trà Vinh đã lập bàn thờ, ngày đêm hương khói cho Người. Đầu năm 1970, Thị ủy Trà Vinh thảo luận, thống nhất và được Tỉnh ủy Trà Vinh chấp thuận chủ trương xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày khởi công là 10/3/1970 và dự kiến khánh thành vào dịp sinh nhật Bác lần thứ 80.
Địa điểm được chọn để xây Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là diện tích đất cao ráo thuộc ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, nơi trước đây từng là ngôi đình thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh của địa phương. Địa điểm này cách tiểu khu quân sự địch hơn 04km, cách căn cứ quân sự Mỹ ở Vàm Trà Vinh hơn 02km, cách sông Cổ Chiên mà tàu chiến địch tuần tra bắn phá không quá 1.500m, cách đồn địch gần nhất chỉ 400m… Nghĩa là, khi xây dựng ngôi Đền, Đảng bộ và quân dân Long Đức chấp nhận mọi sự thách thức từ phía kẻ thù.
Khi Đảng bộ, quân dân Long Đức triển khai việc xây dựng ngôi Đền cũng là lúc địch tăng cường đánh phá bằng bộ binh, biệt kích, máy bay, tàu chiến, pháo binh… vào các ấp thuộc xã Long Đức. Tuy có đội bảo vệ sẵn sàng chiến đấu nhưng để đảm bảo an toàn, việc thi công chủ yếu vào ban đêm. Khi bộ khung hoàn thành chuẩn bị dựng lên thì bị trận pháo địch gây hư hại, phải làm lại từ đầu… Họa sĩ Phong Ba được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy cử về vẽ bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu sơn dầu, có kích thước 0,78 x 1,00m từ bức ảnh trắng đen mà một cán bộ tập kết mang về.
Đến ngày 26/01/1971, ngôi Đền được khánh thành trước sự chứng kiến của đại diện Tỉnh ủy Trà Vinh, Thị ủy Trà Vinh cùng một số người dân địa phương. Những ngày sau đó, lấy cớ về quê ăn Tết, lần lượt nhiều người dân Long Đức, người dân Trà Vinh đến thắp hương, kính viếng Người. Ngôi Đền xây trên diện tích 16m², mái lợp lá, khung sườn bằng gỗ, nền xi măng. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cắm tung bay trên nóc ngôi Đền. Sau khi khánh thành, từ ngày 26/01/1971 đến ngày 04/02/1971, hơn 10.000 lượt người dân các nơi đến đền thờ thắp hương viếng Bác.
Phát hiện sự tồn tại của Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, địch điên cuồng tổ chức nhiều trận càn quét, đánh phá Long Đức mà mục tiêu cuối cùng là hủy diệt ngôi Đền. Ngày 10/3/1971, địch mở cuộc hành quân càn quét quy mô lớn, du kích Long Đức cùng du kích ấp Vĩnh Hội đã kiên cường chiến đấu nhưng với sức mạnh áp đảo, địch dùng súng phun lửa đốt cháy một khoảng lũy tre, rồi cho bộ binh luồn vào đốt cháy ngôi đền. Riêng bức chân dung Bác Hồ, chúng không dám đốt mà cho người khiêng về dinh Tỉnh trưởng. Ngày hôm sau, hàng trăm quần chúng Long Đức kéo vào cùng quần chúng nội ô đấu tranh đòi địch phải trả bức chân dung.
Việc xây dựng lại và bảo vệ ngôi Đền được Thị ủy, Thị đội Trà Vinh, Đảng ủy, lực lượng vũ trang và Nhân dân Long Đức triển khai một cách chặt chẽ. Chiều ngày 14/02/1972 (ngày Ba mươi Tết Nhâm Tuất), Đền thờ Bác Hồ được khánh thành lần thứ hai trong niềm hân hoan của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Long Đức. Ngày 03/10/1972, địch cho máy bay đến bắn phá hủy diệt, ngôi Đền bị bốc cháy nhưng tổ bảo vệ và Nhân dân Long Đức đã kịp thời dập lửa, bảo vệ được ngôi Đền.
Trong gần 05 năm xây dựng và bảo vệ Đền thờ Bác Hồ, lực lượng vũ trang và Nhân dân Long Đức, thị xã Trà Vinh đã phối hợp nhuần nhuyễn ba mũi giáp công, bẻ gãy hàng chục trận càn quét, hàng trăm trận đánh phá bằng máy bay, pháo binh, tàu chiến của địch, loại ra khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên địch. Đến ngày 29/4/1975, chỉ huy tiểu khu Vĩnh Bình còn điên cuồng cho máy bay bắn phá, gây thiệt hại nặng một phần ngôi đền. Hơn 20 cán bộ, chiến sĩ và quần chúng đã anh dũng hy sinh cho sự tồn tại của ngôi Đền.
Có thể nói, chính ngôi Đền đã tạo ra sức mạnh kỳ diệu để Đảng bộ, quân dân Long Đức; Đảng bộ, quân dân thị xã Trà Vinh; Đảng bộ, quân dân tỉnh Trà Vinh trong chiến đấu, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng giải phóng thị xã Trà Vinh, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi lần vào chiến dịch, các đơn vị vũ trang tỉnh Trà Vinh đều tập trung về đây, tuyên thệ trước anh linh Bác, nguyện chiến đấu đến cùng cho nền độc lập của Tổ quốc. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã khái quát ngôi Đền là "Công trình của trái tim".
Đền thờ Bác Hồ đã trở thành niềm tự hào, là biểu trưng của tấm lòng người dân tỉnh Trà Vinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau ngày thống nhất đất nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Đặc biệt, năm 2012, phiên bản Nhà sàn Bác Hồ với tỷ lệ 97% so với nguyên bản đã được dựng lên trong khuôn viên đền thờ. Năm 1989, Đền thờ Bác Hồ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Bà Trần Hồng Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Đền thờ Bác Hồ tỉnh Trà Vinh tự hào cho biết: "Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, đặc biệt là dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 133 của Người, người dân cả nước nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng lại thêm xúc động, thành kính tưởng nhớ và biết ơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bình quân mỗi năm có hơn 50 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến viếng Bác và tham quan khu di tích". Đền thờ và khu di tích đã trở thành địa chỉ đỏ về phong trao đấu tranh cách mạng, là biểu trưng của tấm lòng người dân tỉnh Trà Vinh nói riêng và Nam bộ nói chung đối với Bác Hồ.
Đền thờ Bác Hồ tại tỉnh Trà Vinh đã trở thành biểu tượng "Công trình của trái tim" bởi ý nghĩa thiêng liêng của việc hình thành, quá trình chiến đấu bảo vệ ngoan cường và giá trị tinh thần của ngôi Đền trong đời sống tinh thần của Đảng bộ, quân dân tỉnh Trà Vinh.
Vĩnh Sơn







HỆ THỐNG VĂN BẢN
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Dự án mời gọi đầu tư
Thông tin quy hoạch |
|
Báo cáo thống kê |
VIDEO MỚI
DOANH NGHIỆP

LIÊN KẾT
Thống Kê Truy Cập
Đang truy cập: | - |
Hôm nay: | - |
Tuần hiện tại: | - |
Tuần trước: | - |
Tháng hiện tại: | - |
Tháng trước: | - |
Tổng lượt truy cập: | - |