
Chi tiết tin
Sáng ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 chủ trì Phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo
Sáng ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 chủ trì Phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo.
![]() Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Quan Đạt. |
Cùng chủ trì phiên họp có các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số đại học, tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có ông Nguyễn Thành Diệu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ KHCN công bố các quyết định của Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, cùng 3 quyết định thành lập 3 tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ. Các tổ công tác này gồm: Tổ Công tác triển khai Đề án 06, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số gắn với Đề án 06, do Bộ trưởng Bộ Công an làm Tổ trưởng; Tổ Công tác về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do Bộ trưởng Bộ KH&CN làm Tổ trưởng; Tổ Công tác cải cách hành chính, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ trưởng.
Phiên họp tập trung đánh giá tình hình triển khai trong những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, các đại biểu tập trung đánh giá các hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06 thời gian qua; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra các bài học kinh nghiệm; chia sẻ những kinh nghiệm hay và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhất là bố trí nguồn lực, huy động hợp tác công tư, trong đó có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp.
Theo các báo cáo, đánh giá, trong 4 tháng đầu năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06; thể chế, cơ chế, chính sách tiếp tục được tập trung hoàn thiện; đặc biệt là đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam, phiên bản 4.0.
Cùng với đó, chuyển đổi số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ; tốc độ internet di động tăng mạnh, vào top 20 thế giới. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp, tăng 28,7%; máy bán hàng, thiết bị chấp nhận thẻ được triển khai mạnh mẽ, tăng 29,8%; có đến 70% người tiêu dùng ở các thành phố lớn đã sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt hàng ngày. Bên cạnh đó, doanh thu công nghiệp ICT ước đạt 423.300 tỷ đồng, tăng trưởng 44,4%); thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng mạnh (4 tháng đầu năm 2025 đạt 34.500 tỷ đồng, tăng 19%).
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, theo đó đã hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện; kích hoạt trên 63,4 triệu tài khoản định danh điện tử; cung cấp 43 tiện ích trên ứng dụng VNeID. Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử và Bệnh án điện tử với trên 15,5 triệu thông tin công dân; đưa vào hoạt động Hệ thống điều phối dữ liệu y tế (với 172 cơ sở khám, chữa bệnh tại 29 địa phương sử dụng Bệnh án điện tử); mở rộng triển khai Học bạ số và có trên 2,9 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 80% người dân nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản.
Về công tác cải cách hành chính, đến nay, đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ còn 14 Bộ, 3 cơ quan ngang Bộ; đồng thời triển khai nhanh, quyết liệt sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, như phân cấp, phân quyền chưa triệt để; nhiều nhiệm vụ tại triển khai còn chậm tiến độ, chưa có sự chuyển biến rõ nét. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đẩy mạnh phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phải gắn với đơn giản hóa và cương quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phiền hà, bỏ cơ chế xin cho, giảm thời gian, chi phí, tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực phát triển. Do đó, chúng ta phải quyết tâm "tăng tốc và bứt phá", thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình hình, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025, tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm "Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị hiện đại". Cùng với đó, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số, gồm thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số. Đẩy mạnh nguồn lực thực hiện KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng chi cho KHCN lên 3% chi ngân sách nhà nước. Các Bộ, ngành, địa phương phải trình các dự án, chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, động lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06; đồng thời, triển khai tổ chức thực chất, rộng khắp các phong trào thi đua trong toàn quốc để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và Nhân dân. Cùng với đó, đẩy mạnh rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bảo đảm nguồn lực cho KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, có cơ chế ưu tiên để huy động nguồn lực. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an quan hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Dữ liệu; Nghị định quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Nghị định quy định hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và sản phẩm, dịch vụ dữ liệu, hoàn thành trong tháng 6/2025 và các Bộ, ngành, địa phương sớm đăng ký dự án, nhiệm vụ KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí...
Phương Thanh







THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
VIDEO MỚI
DOANH NGHIỆP



LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
Hôm nay:
Tuần hiện tại:
Tháng hiện tại:
Tháng trước:
Tổng lượt truy cập: