Ngày 31/10/2017, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kết quả thực
hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân
bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3
năm quốc gia 2018 - 2020.
Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính
phủ và các báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế của Quốc
hội. Cụ thể, trong năm 2017, Chính phủ đã rất nỗ lực, cố gắng quyết liệt và kiên
định trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã
hội và ngân sách Nhà nước rất toàn diện trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn một số
vấn đề trong báo cáo có đề cập nhưng chưa đậm nét và cần phải làm rõ hơn để Quốc
hội, Chính phủ nghiên cứu bàn giải pháp trong thời gian tới, đó là:
Thứ nhất, mô hình sản xuất, mô hình quản lý trong lĩnh vực nông
nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, gắn với chuỗi giá trị; mạng lưới phân phối giá
trị gia tăng an toàn sản phẩm tiêu thụ VietGAP, GlobalGAP tuy có tổ chức thực
hiện nhưng chưa có nhiều tiến bộ so với yêu cầu thực tế. Việc 'giải cứu' hàng
nông sản chỉ mang tính tạm thời, không có hiệu quả cao.
Thứ hai, cần phần tích rõ vấn đề tăng tỷ trọng trong chế biến,
chế tạo trong công nghiệp để xác định cụ thể hướng đi nhằm chuyển từ nền công
nghiệp gia công lắp ráp là chủ yếu sang công nghiệp chế biến, chế tạo. Tương tự
như trong dịch vụ du lịch trong báo cáo đã thể hiện khách đi, khách đến trong
nước và ngoài nước đều tăng, nhưng chúng ta cần phân tích rõ và sâu sắc hơn việc
khách du lịch có trở lại Việt Nam không, để thấy rõ hơn bức tranh du lịch của
Việt Nam trong thời gian tới để có kế hoạch đầu tư hay chấn chỉnh lại.
Thứ ba, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi sản
xuất giá trị của các tập đoàn đa quốc gia, rõ ràng chúng ta thu hút rất nhiều
tập đoàn lớn như Samsung, Formosa nhưng cần phân tích kỹ xem thực chất các doanh
nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị này đạt đến đâu và đạt giá trị nội
địa hóa là bao nhiêu.
Thứ tư, chúng ta cần xem xét rõ việc kết nối giữa doanh nghiệp
trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư ở nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, nếu
chúng ta không kết nối được thì sẽ không tận dụng được tiến bộ khoa học - công
nghệ, tiến bộ trong quản lý và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực FDI thì
những ưu đãi của chúng ta sẽ lãng phí, thiệt thòi cho các doanh nghiệp của Việt
Nam.
Thứ năm, tôi thấy dịch sốt xuất huyết vừa qua đã làm cho nhân
dân rất hoang mang, gây đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân nhưng việc dập
dịch trong năm còn chậm hơn so với các năm trước, làm thì quyết liệt nhưng kết
quả chậm, cần phải đánh giá sâu sắc về những nguyên nhân và trách nhiệm của từng
tổ chức, cá nhân. Bởi lẽ, kinh phí, thiết bị, phương tiện, con người là không
thiếu. Cần làm rõ để rút kinh nghiệm cho những năm sau nếu có chu kỳ tái phát
lại bệnh sốt xuất huyết.
Đồng thời, trên cơ sở thực tế tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đại
biểu Nguyễn Thanh Hải đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, cần quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư một cách có
hiệu quả hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, tập
trung xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối. Bởi lẽ, nếu có mạng lưới phân
phối tốt thì đưa vào chuỗi mới giúp được người nông dân tiêu thụ sản phẩm, từ đó
tránh được tình trạng 'giải cứu' sản phẩm nông nghiệp như thời gian gần đây.
Hai là, việc sử dụng nguồn lực làm sao cho có hiệu quả hơn trên cơ sở
xem lại việc quản lý tài chính, tài sản, làm thế nào tập hợp lại tài sản để quản
lý, sử dụng một cách có hiệu quả nhất.
Ba là, một số vấn đề quan trọng và cấp bách mang tính chất quyết định
của một công việc mà chúng ta đã đề ra là tiếp tục thực hiện chế độ chính sách
pháp luật về tinh giản, tinh gọn bộ máy biên chế, đặc biệt là việc phân cấp,
phân quyền. Đề nghị gắn với việc đó là cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
với quyết tâm cao, nỗ lực lớn là phải tập trung cải tạo thủ tục hành chính và
nâng cao trách nhiệm của bộ máy thực hiện công vụ, xóa bỏ nhũng nhiễu, đặc biệt
là phải triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) sắp xếp lại bộ
máy cán bộ một cách có hiệu quả.
Đăng Hiếu (tổng hợp)