


Chi tiết tin





Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc tại xã Tân Hưng, huyện Cái Bè luôn là biểu tượng thiêng liêng về tấm lòng sắt son của người dân tỉnh Tiền Giang nói chung, người dân huyện Cái Bè nói riêng dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc
Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc tại xã Tân Hưng, huyện Cái Bè luôn là biểu tượng thiêng liêng về tấm lòng sắt son của người dân tỉnh Tiền Giang nói chung, người dân huyện Cái Bè nói riêng dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) xã Tân Hưng, sau năm 1975, nhằm tưởng nhớ công ơn của Bác, các cô chú cách mạng lão thành của xã Thanh Hưng (sau này tách ra thành Tân Hưng và Tân Thanh vào năm 1979) đã đề xuất lấy nền đất công ngay dưới đầu cầu Rạch Ruộng để xây dựng Đền thờ tưởng nhớ Bác, đặt là "Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng ngày 19/5/1975, đến ngày 02/9/1975 thì hoàn thành, do nhân dân xã Thanh Hưng đóng góp ngày công, vật liệu để xây dựng. Từ đó, Phủ thờ Bác được người dân trong xã, trong tỉnh và các tỉnh bạn thường xuyên viếng thăm. Đến năm 1997, từ đề xuất của lãnh đạo 02 xã Tân Hưng và Tân Thanh, huyện Cái Bè đã có chủ trương tôn tạo, xây dựng lại Phủ thờ Bác với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng.
Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh có diện tích 1.400m2, với 03 hạng mục gồm phòng trưng bày được xây dựng hình lục giác, mái cong, lợp ngói, mang đậm nét kiến trúc phương Đông. Bên trong có bàn thờ Bác với bức tượng bằng đồng. Bên phải của Phủ thờ là Nhà bia ghi danh hơn 400 liệt sĩ của xã Thanh Hưng xưa. Khuôn viên của Phủ thờ được bao bọc bởi các loại hoa, cây kiểng.
Ông Đinh Văn Trường, người quản lý, trông nom Phủ thờ cho biết: "Phủ thờ được mở cửa thường xuyên để đón khách thăm, viếng Bác. Hàng ngày, khoảng 05 giờ sáng tôi đến mở cửa, quét dọn, chăm sóc cây kiểng, đón khách. Chiều tối thắp nhang cho Bác xong tôi mới đóng cửa về. Các cây xanh trong khuôn viên Phủ thờ đều do người dân tặng, hoặc khi đi đâu thấy cây kiểng, bông đẹp tôi đều xin về trồng tại Phủ thờ. Những lúc có người đến viếng Phủ thờ, tôi "kiêm" luôn vai trò người hướng dẫn viên, thuyết minh nội dung từng bức ảnh để người đến đây hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác".
Nhân dân 02 xã Tân Hưng và Tân Thanh nói riêng và huyện Cái Bè nói chung rất tự hào vì có được Phủ thờ Bác trên chính quê hương mình, từ đó bảo nhau đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh, tạo khí thế sôi nổi thi đua với khẩu hiệu "Nhà nhà thi đua, người người thi đua". Vào dịp lễ, Tết, sinh nhật Bác hàng năm, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, sinh viên, học sinh trong và ngoài tỉnh đến đây thắp nhang tưởng nhớ và ôn lại thân thế, sự nghiệp của Người. Đặc biệt, có rất nhiều đơn vị trường học, cơ quan, đơn vị tổ chức cho học sinh, đoàn viên, cán bộ về nguồn tại đây.
Không chỉ người dân nơi đây, nhiều người từ nơi khác đến Phủ thờ đều rất xúc động khi xem tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác. Được biết, huyện Cái Bè đã có kế hoạch phục hồi các các tranh ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác để treo trong phòng trưng bày, với kinh phí trên 200 triệu đồng.
Chị Võ Kim Yến, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thanh cho biết: "Chị em phụ nữ của xã đến Phủ thờ đốt nhang viếng Bác Hồ như đã thành thông lệ, đây là cách thể hiện đạo lý "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" vì nhờ có Bác Hồ mới có hòa bình độc lập như hôm nay. Vì Bác Hồ ở Hà Nội xa xôi, nhiều người không có điều kiện ra thăm Lăng Bác, nên khi đến Phủ thờ chị em cũng như đã được gặp Bác".
Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nơi để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc mà đã trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử quan trọng trong đời sống của người dân địa phương.
Phương Mai
HỆ THỐNG VĂN BẢN
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Dự án mời gọi đầu tư
Thông tin quy hoạch |
|
Báo cáo thống kê |
VIDEO MỚI
DOANH NGHIỆP

LIÊN KẾT
Thống Kê Truy Cập
Đang truy cập: | - |
Hôm nay: | - |
Tuần hiện tại: | - |
Tuần trước: | - |
Tháng hiện tại: | - |
Tháng trước: | - |
Tổng lượt truy cập: | - |